Nữ giảng viên Khoa học Máy tính tận tâm với nghề và truyền cảm hứng tối ưu hóa cho sinh viên SICT
Với hơn 20 năm gắn bó trong lĩnh vực giảng dạy, Thạc sĩ Chu Thị Quyên, giảng viên Khoa Khoa học Máy tính, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SICT), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, luôn được biết đến là một người tận tâm, tận lực với nghề. Không chỉ là một nhà giáo truyền đạt kiến thức, cô còn là người truyền cảm hứng và giúp sinh viên định hướng con đường học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học máy tính.
Cô Chu Thị Quyên
Điều làm nên sự khác biệt của cô Quyên chính là phương pháp giảng dạy khoa học và đầy sáng tạo. Ngay từ buổi học đầu tiên, cô đã chủ động sắp xếp chỗ ngồi cố định cho sinh viên trong suốt học kỳ, cả trong lớp lý thuyết và thực hành. Cách làm này không chỉ giúp cô dễ dàng ghi nhớ từng sinh viên, mà còn giảm thời gian điểm danh và tạo môi trường học tập nghiêm túc, kỷ luật. Bên cạnh đó, cô luôn khuyến khích sinh viên làm việc nhóm, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập, qua đó rèn luyện kỹ năng hợp tác – yếu tố quan trọng trong ngành công nghệ thông tin.
Ngoài niềm đam mê giảng dạy, cô Chu Thị Quyên còn yêu thích thể thao và du lịch. Những lúc rảnh rỗi, cô thường tham gia chơi bóng bàn, pickleball,... để giữ gìn sức khỏe, đồng thời cũng là cách giúp cô duy trì tinh thần tích cực, truyền thêm năng lượng cho sinh viên.
Ngoài giờ làm việc, cô còn thường xuyên tập luyện thể thao
Là một trong những học phần quan trọng trong chương trình đào tạo ngành Khoa học Máy tính, Tối ưu hóa (IT6095) giúp sinh viên nắm bắt các phương pháp tìm kiếm giải pháp tối ưu trong nhiều bài toán thực tế. Dưới sự hướng dẫn của cô Chu Thị Quyên, sinh viên không chỉ được học lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành trên máy tính để ứng dụng kiến thức vào các bài toán thực tế.
Thuật toán A* là một trong những công cụ mạnh mẽ và phổ biến nhất để giải quyết các bài toán tối ưu hóa
Học phần cung cấp kiến thức về tối ưu hóa, từ lý thuyết đến ứng dụng thực tế. Sinh viên sẽ tìm hiểu về quy hoạch tuyến tính, bài toán đối ngẫu, bài toán vận tải, tối ưu hóa rời rạc và thực hành trên máy tính để giải quyết các bài toán tối ưu.
Sau khi hoàn thành học phần, sinh viên có thể phân loại, mô hình hóa các bài toán tối ưu (L1) và lựa chọn giải pháp phù hợp (L2). Với tổng thời lượng 60 giờ học trên lớp và 75 giờ tự học, học phần trang bị nền tảng vững chắc để áp dụng vào thực tế.
Nhờ sự tận tâm giảng dạy của cô Chu Thị Quyên cùng với tính ứng dụng cao của học phần, nhiều thế hệ sinh viên đã có nền tảng vững chắc để tiếp tục học tập, nghiên cứu và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học máy tính.
Thứ Ba, 16:47 18/03/2025
Copyright © 2025 School of Information and Communications Technology